SƠ LƯỢC VỀ QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN XIẾC (kỳ 1)
Đoàn xiếc (gánh xiếc) là công ty của các nghệ sĩ biểu diễn, bao gồm hề, các diễn viên nhào lộn, đu dây, nhạc sĩ, tung hứng, thăng bằng, uốn dẻo, đóng thế, xe đạp một bánh, động vật được huấn luyện… Thuật ngữ “xiếc” cũng mô tả hoạt động biểu diễn theo nhiều hình thức khác nhau trong suốt chiều dài 150 năm lịch sử phát triển xiếc hiện đại. Philip Astley, người mở gánh xiếc đầu tiên tại Anh Quốc vào năm 1768, đang được coi là cha đẻ của xiếc hiện đại.
Những gánh xiếc đầu tiên chỉ đơn thuần biểu diễn những kỹ năng có liên quan đến trình diễn tài cưỡi ngựa. Hoạt động biểu diễn phát triển nhanh chóng trong 50 năm tiếp theo, trong đó diễn xuất tại những trận chiến trên sân khấu trở thành nét đặc trưng nổi bật. Mô hình xiếc “truyền thống”, trong đó người chỉ đạo biểu diễn giới thiệu một loạt những tiết mục kết hợp giữa kỹ năng di chuyển với âm nhạc, phát triển vào cuối thế kỷ 19 và gần như trở thành loại hình xiếc chính trên toàn cầu cho đến tận những năm 1970.
Xiếc đương đại được cho là làm sống lại truyền thống xiếc từ những năm 1980 khi một loạt gánh xiếc giới thiệu loại hình xiếc hầu như chỉ dựa vào kỹ năng của con người và những kỹ năng, phong cách trình diễn nghệ thuật khác. Phong cách thay đổi kể từ thời Astley với nhiều địa điểm biểu diễn khác nhau. Những gánh xiếc hiện đại đầu tiên biểu diễn ngoài trời với số lượng chỗ ngồi hạn chế. Từ cuối thế kỷ 18 đến cuối thế kỷ 19, những rạp xiếc (thường là bằng gỗ) được xây dựng có nhiều chỗ ngồi, một khu vực biểu diễn ở giữa hoặc đôi khi là sân khấu.
Từ giữa thế kỷ 19, các đoàn xiếc lưu động với các buổi diễn được tổ chức trong những cái lều lớn được gọi là các “Big Top”. Những cái lều này cuối cùng trở thành địa điểm biểu diễn phổ biến nhất và vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay. Những gánh xiếc đương đại biểu diễn ở nhiều loại địa điểm khác nhau như trong lều, nhà hát hay tại sòng bạc. Nhiều trương trình biểu diễn xiếc vẫn được tổ chức trong sân khấu có đường kính rộng 13m (42ft). Đây là diện tích tối thiểu do Philip Astley tìm ra vào cuối thế kỷ 18 cho phép một tay đua ngựa đứng thẳng trên một con ngựa chạy nước kiệu để trình diễn những ngón nghề của họ.
Từ nguyên
Xuất hiện lần đầu tiên trong Tiếng Anh từ thế kỷ 14, thuật ngữ circus có nguồn gốc từ tiếng La tinh, được chuyển đổi từ Tiếng Hy Lạp kirkos - có nghĩ là “vòng tròn” hay “vòng”.
Lịch sử phát triển
Quan điểm hiện đại và phổ biến về xiếc là những hoạt động mang tính giải trí diễn ra trong một chiếc lều lớn (Big Top). Tuy nhiên, lịch sử các rạp xiếc phức tạp hơn vì sự bất đồng của các nhà nghiên về nguồn gốc của nó cũng như việc nhìn nhận lại lịch sử phát triển xiếc do sự thay đổi về bản chất nghiên cứu lịch sử và hiện tượng “xiếc” hiện nay. Đối với nhiều nhà khoa học, lịch sử xiếc bắt đầu từ thời Astley trong khi số khác lại cho rằng nguồn gốc của xiếc phải quay về thời xa xưa hơn nữa - thời kỳ La Mã.
Nguồn gốc của xiếc - La Mã hay Astley
Trong thời La Mã cổ đại, rạp xiếc là tòa nhà nơi trình diễn của ngựa và các cuộc đua xe ngựa, các trận đánh trên sân khấu, các cuộc đấu kiếm hoặc nơi biểu diễn của vật nuôi đã được huấn luyện. Xiếc Roma được coi là bị ảnh hưởng bởi những người Hy Lạp thích đua ngựa và biểu diễn động vật như những trò giải trí truyền thống. Tuy nhiên, những rạp xiếc của thời kỳ La Mã không phải hình tròn mà là hình chữ nhật với hai đầu hình bán nguyệt. Một số nhà nghiên cứu lịch sử xiếc như Speaight cho rằng “những chương trình biểu diễn có thể đã diễn ra ở những khu vực rộng lớn nơi người La Mã gọi là 'rạp xiếc', nhưng sẽ là sai lầm nếu đánh đồng những nơi đó hoặc những trò giải trí ở đó với xiếc hiện đại”. Một số khác lại cho rằng nguồn gốc của xiếc thực ra xuất phát từ 'xiếc' La Mã và niên đại của xiếc giải trí có thể khởi nguồn từ thời La Mã, qua thời trung cổ và phục hưng với những chú hề hay người hát rong, cho đến cuối thế kỷ 18 và thời của Astley.
Rạp xiếc đầu tiên trong thành phố Roma là rạp Maximus, trong thung lũng nằm giữa đồi Platine và Aventine, được xây dựng dưới chế độ quân chủ, ban đầu hoàn toàn bằng gỗ. Sau nhiều lần xây dựng lại, cuối cùng rạp xiếc Maximus được xây bằng đá, có chiều dài 400m, rộng 90m với sức chứa 250,000 chố ngồi. Những rạp xiếc sau Maxinus ở Rome là Flaminius và Neronis. Rạp xiếc thứ 4 là Maxentius, được xây dựng bởi hoàng đế La Mã Maxentius (306-312), những tàn tích của rạp xiếc này đã giúp các nhà khảo cổ phục dựng lại rạp xiếc La Mã.
Một thời gian sau sự sụp đổ của thành Rome, những rạp xiếc to lớn không còn được sử dụng làm trung tâm giải trí của dân chúng nữa, thay vào đó các nghệ sĩ đường phố, huấn luyện viên động vật, diễn viên phải đi biểu diễn lưu động tại các thành phố trên khắp châu Âu, các hội chợ địa phương.
Astley và buổi đầu của xiếc Anh
Xiếc hiện đại được cho là khởi nguồn từ Philip Astley. Ông là 1 sỹ quan kỵ binh người Anh, người đã dựng lên sân khấu hiện đại đầu tiên dành cho các cuộc trình diễn cưỡi ngựa tại Lambeth, Luân Đôn vào năm 1768. Astley không phải là người đầu tiên tìm ra nghệ thuật cưỡi ngựa, ông cũng không phải người đầu tiên giới thiệu những tiết mục xiếc như nhào lộn hay hề đến với công chúng Anh, nhưng ông là người đầu tiên tìm ra một không gian trình diễn tất cả những tiết mục đó trong cùng một chương trình.
Astley coi khu vực biểu diễn là một Vòng tròn và tòa nhà là sân khấu nhưng mãi về sau chúng mới được biết đến là rạp xiếc. Sau Astley, Andrew Ducrow, một nghệ sĩ cưỡi ngựa kỳ tài, đã có công rất lớn trong việc xây dựng xiếc truyền thống. Thế hệ tiếp theo, Henglers và Sangers tiếp nối xiếc truyền thống bằng việc tổ chức các chương trình biểu diễn.
Ở Anh, các buổi biểu diễn xiếc thường được tổ chức tại các tòa nhà trong thành phố lớn, chẳng hạn như tòa nhà Hippodrome Luân Đôn, một công trình hỗn hợp gồm rạp xiếc, chuồng thú và nhà hát hỗn hợp. Tại đây động vật hoang dã như sư tử, voi biểu diễn thường xuyên trên sân khấu hay những biến động của tự nhiên như lũ lụt, động đất hay phun trào núi lửa được trình diễn vô cùng sộng động. Năm 1782, Astley thành lập nhà hát Anglais ở Paris, là rạp xiếc cố định đầu tiên tại Pháp, tiếp theo là 18 rạp xiếc khác trên các thành phố khắp châu Âu. Năm 1793, Astley đã cho diễn viên người Y Antonio Franconi thuê rạp xiếc tại Pháp của mình.
Ricketts và rạp xiếc đầu tiên ở Mỹ
Nghệ sĩ người Anh John Bill Rickett là người đầu tiên đưa xiếc hiện đại đến Mỹ. Ông bắt đầu sự nghiệp sân khấu của mình với rạp xiếc Hoàng gia Hughes ở Luân Đôn những năm 1780 và trở về xây dựng rạp xiếc đầu tiên tại Philadelphia. Rạp xiếc đầu tiên ở Mỹ khánh thành ngày 3/4/1793 và có buổi biểu diễn hoàn chỉnh đầu tiên với khán giả Mỹ. Sau buổi khai mạc đó, George Washington là tổng thống Mỹ lúc bấy giờ đã tham dự một buổi diễn của rạp xiếc Philadelphia.
Sự phát triển của xiếc Mỹ
Tại Mỹ trong suốt 2 thập kỷ đầu tiên của thế kỷ 19, rạp xiếc Pepin và Breschard đi lưu diễn từ Montreal tới Havana, xây dựng các rạp xiếc ở nhiều thành phố nơi đoàn đi qua. Victo Pepin, công dân New York, là người Mỹ đầu tiên điều hành một rạp xiếc lớn tại Mỹ. Tiếp theo đó, sự xuất hiện của các rạp xiếc Purdy, Welch&Co, Van Amburgh đã giúp phổ biến xiếc rộng rãi hơn trong công chúng Mỹ.
Năm 1825, Joshuah Purdy Brown là ông chủ rạp xiếc đầu tiên sử dụng lều vải lớn cho buổi biểu diễn xiếc. Dan Rice là diễn viên xiếc tiên phong nổi tiếng với vai hề xiếc trong thời gian trước nội chiến, được biết đến rộng rãi với các tiết mục “Buổi diễn người - ngựa” và “Này, Rube!”.
Xiếc Mỹ được cách mạng hóa bởi P.T.Barnum và William Camen Coup, những người đã sáng lập ra P. T. Barnum's Museum, Menagerie & Circus, một kiểu kết hợp biểu diễn lưu động những kỹ năng kỳ quặc của con người và động vật. Buổi biểu diễn của những nhân vật dị tật bẩm sinh (Freak show hay sideshow) được xem như là phát minh của xiếc Mỹ. Coup cũng là doanh nhân xiếc đầu tiên sử dụng tàu để vận chuyển đoàn xiếc từ thành phố này đến thành phố khác. Một phương pháp di chuyển vẫn được sử dụng đến ngày nay và cũng là người đầu tiên giới thiệu những rạp xiếc có nhiều sân khấu biểu diễn.
Rạp xiếc lưu động
Năm 1838, diễn viên đua ngựa Thomas Talin Cooke từ Mỹ trở về Anh mang theo một cái lều xiếc. Vào thời điểm đó rạp xiếc lưu động đã trở nên phổ biến ở Anh. Ví dụ, đoàn xiếc William Batty đã lưu diễn từ Newcastle đến Edinburgh và sau đó tới Portmouth và Southhamton từ năm 1838-1840. Pablo Fanque là người đáng kính vì ông người sở hữu gánh xiếc da màu đầu tiên ở Anh và điều hành một trong những đoàn xiếc lưu động nổi tiếng nhất ở Anh thời Victoria. Ông đã xây dựng cấu trúc đương đại cho rạp xiếc lưu động hay hiện đại hóa những cấu trúc thời bấy giờ. Một trong những tai nạn trọng việc dựng sân khấu xiếc lưu động của Fanque là việc một rạp xiếc ở Leeds bị sụp đổ, khiến nhiều người bị thương nhẹ nhưng lại gây ra cái chết của vợ ông.
Có 3 người có đóng góp quan trọng cho sự phát triển của xiếc lưu động là diễn viên xiếc người Ý Giuseppe Chiarini, 2 nghệ sĩ người pháp là Jacques Tourniaire và Louis Soullier. Họ đã sớm đưa xiếc lưu động đến với Mỹ La tinh, Úc, Tây Nam Á, Trung Quốc, Nam Phi và Nga. Soullier cũng là ông chủ xiếc đầu tiên giới thiệu nhào lộn Trung Quốc với xiếc châu Âu khi ông trở về sau chuyến lưu diễn ở Trung Quốc năm 1866 còn Tourniaire cũng là người đầu tiên giới thiệu nghệ thuật biểu diễn tới Ranga, nơi mà xiếc rất được yêu thích.
Sau cái chết của Barnum (1810-1891), gánh xiếc của ông
nhập khẩu với gánh xiếc của James Anthony Bailey thành đoàn xiếc Barnum & Bailey Greatest Show On Earth. Trong thời gian lưu diễn khắp châu Âu từ 1897-1902, họ đã gây được ấn tượng mạnh mẽ với các ông bầu khác với quy mô biểu diễn lớn, công nghệ lưu diễn (bao gồm lều bạt và đào tạo xiếc) cùng với sự kết hợp hoàn hảo của các tiết mục xiếc, biểu diễn thú và trình diễn giải trí. Mô hình này được các gánh xiếc châu Âu học tập từ đầu thế kỷ 20.
Đặc điểm của xiếc hiện đại thay đổi đáng kể do ảnh hưởng của rạp xiếc Mỹ. Trong những sân khấu quá rộng để có thể nghe rõ những âm thanh hội thoại, thì lời thoại truyền thống của chú hề không còn hấp dẫn, trong khi sự phong phú của các thiết bị sân khấu làm cho những màn cỡi ngựa truyền thống trở nên nỗi thời, thay vào đó là những buổi biểu diễn sôi nổi, trình diễn kỹ năng, sức mạnh, sự táo bạo, đòi hỏi sự tham gia của nhiều diễn viên hơn và sự hỗ trợ của hệt hống máy móc phức tạp, tốn kém hơn.
Xiếc truyền thống ở một số quốc gia khác
Năm 1919, Lê Nin, người đứng đầu nước Nga Xô Viết bày tỏ mong muốn đưa xiếc trở thành “loại hình nghệ thuật nhân dân”, với cơ sở vật chất và địa vị ngang hàng với các loại hình nghệ thuật thời thượng khác như sân khấu, opera và ba lê. Năm 1927, Trường Đại học Xiếc và Nghệ thuật tổng hợp Quốc gia, được biết đến nhiều hơn với cái tên Trường Xiếc Moscow được thành lập. Các diễn viên được đào tạo bằng phương pháp phát triển từ chương trình thể dục của Liên Xô. Khi Trường Xiếc Moscow bắt đầu các chuyến lưu diễn quốc tế trong những năm 1950, mức độ độc đáo và kỹ năng nghệ thuật của đoàn được hoan nghênh nhiệt liệt.
Xiếc Trung Quốc dựa trên bộ môn nhào lộn truyền thống. Rạp xiếc Trung ương Trung Quốc là đoàn xiếc lưu diễn nổi tiếng. Liên hoan xiếc quốc tế Monte Carlo đã được tổ chức lần đầu tiên ở Monte Carlo từ năm 1974 và là một trong những giải thưởng quốc tế đầu tiên dành cho các nghệ sĩ trong lĩnh vực nghệ thuật xiếc. Từ cuối thế kỷ 19 cho đến nửa đầu thế kỷ 20, xiếc lưu động là hình thức giải trí chính ở Mỹ và thu hút sự chú ý to lớn ở bất cứ nơi nào họ đến. Sau thế chiến thứ 2, xiếc bị cạnh tranh bởi các hình thức giải trí mới (như truyền hình) và thị hiếu của khán giả cũng yêu cầu cao hơn.
Từ những năm 1960 trở đi, xiếc vấp phải sự chỉ trích ngày càng gay gắt của các nhà hoạt động vì quyền động vật. Nhiều rạp xiếc phải giải thể hoặc buộc phải sát nhập với công ty xiếc khác. Tuy nhiên, còn rất nhiều rạp xiếc lưu động vẫn hoạt động tốt ở nhiều nơi trên thế giới, từ các doanh nghiệp gia đình nhỏ cho đến những công ty xiếc tìm được cách thức mới để thu hút công chúng với phương pháp tiếp cận sáng tạo cho các tiết mục xiếc.
Những loại hình xiếc đương đại
Xiếc hiện đại (đầu tiên được gọi là Nouveau Cirque) là phong trào nghệ thuật biểu diễn gần đây có nguồn gốc từ nhưng năm 1970 ở Úc, Canada, Pháp, vùng bờ biển phía Tây nước Mỹ và Vương quốc Anh. Xiếc hiện đại kết hợp giữa kỹ năng của xiếc truyền thống và kỹ thuật sân khấu để chuyển tải một câu chuyện hoặc một chủ đề. So với xiếc truyền thống, dòng xiếc hiện đại có xu hướng tập trung nhiều hơn sự chú ý vào ảnh hưởng thẩm mỹ tổng thể, nhân vật và diễn tiến câu chuyện, sử dụng các thiết kế ánh sáng, âm nhạc và thiết kế trang phục để truyền đạt nội dung chuyên đề hoặc cốt truyện.
Vì lý do thẩm mỹ hay kinh tế, xiếc hiện đại thường được tổ chức sản xuất tại nhà hát hơn là trong các lều lớn ngoài trời. Âm nhạc thường được viết riêng cho tiết mục xiếc nào đó và thẩm mỹ trong xiếc được áp dụng tiêu chuẩn thẩm mỹ từ chính nền văn hóa đương đại cũng như từ lịch sử xiếc. Các tiết mục xiếc động vật xuất hiện ít thường xuyên hơn trong rạp xiếc hiện đại so với xiếc truyền thống.
Các đoàn xiếc đương đại đầu tiên như Xiếc Oz ở Úc năm 1978, do hai đoàn xiếc SoapBox và Xiếc mới, được thành lập đầu những năm 1970, sáp nhập vào; gánh xiếc gia đình Pickle thành lập năm 1975 tại San Francisco; Ra-Ra Zoo tại Anh năm 1983; Nofit State tại Wales năm 1984; Cirque du Soleil tại Quebec, Canada năm 1984; đoàn xiếc Archaos thành lập năm 1986. Các đoàn xiếc đương đại gần đây như: nhà hát Teatro Zinzanni thành lập năm 1998 tại Seattle; xiếc Eloize tại Quebec; nhóm xiếc Bảy ngón tay; xiếc Tây Phi Baobab thành lập cuối những năm 1990.
Ngoài ra còn có những nhóm xiếc khác như Smirkus do Rob Mermin thành lập tại Vermont năm 1987; Cirque Imaginaire sau đổi thành Cirque Invisible do con gái của Charlie Chaplin là Victoria Chaplin sáng lập…
Câu chuyện thành công nhất của xiếc hiện đại được cho là câu chuyện của đoàn xiếc Cirque Du Soleil (Ánh dương nhảy múa). Đoàn xiếc Canada này có doanh thu hàng năm ước tính vượt quá 810 triệu đô la và những buổi biểu diễn của họ thu hút gần 90 triệu lượt người xem tại trên 200 thành phố khắp năm châu. Mặc dù xiếc hiện đại có khuynh hướng sử dụng nhiều kỹ thuật sân khấu và diễn viên chủ yếu là con người thay vì động vật, nhưng những công ty xiếc truyền thống vẫn tồn tại bên cạnh dòng xiếc hiện đại. Nhiều gánh xiếc vẫn tiếp tục duy trì các tiết mục biểu diễn động vật, trong đó phải kể đến Ringling Brothers and Barnum and Bailey Circus, UniverSoul Circus, và Big Apple Circus của Mỹ; Circus Krone của thành phố Munich; Circus Royale và Lennon Bros Circus của Úc; Vazquez Hermanos Circus, Circo Atayde Hermanos và Hermanos Mayaror Circus của Mexico; hay Moira Orfei của Italy.
nguồn: truongxiec.edu.vn